Hàng trăm bao tải chứa đầy rác thải nhựa từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc và Tây Ban Nha tràn cả ra đường khu công nghiệp Pulau Indah ở Selangor.
Thị trấn biển đảo này chỉ cách Kuala Lumpur và cảng biển lớn nhất Malaysia một giờ lái xe.
Rác thải nhựa chất đống bên ngoài một nhà máy tái chế bất hợp pháp ở Jenjarom, Kuala Langat. Ảnh: Reuters |
Điểm đến thay thế
Mùi hôi thối và khói của gần một chục nhà máy tái chế rác thải len lỏi khắp các khu phố. Thậm chí, nó càng tệ hại hơn mỗi khi nhiều thùng chứa chất thải được dỡ xuống cùng lúc.
Trớ trêu thay, trong tiếng Malay, Pulau Indah có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”, là một trong nhiều thị trấn ở Malaysia có các nhà máy tái chế nhựa bất hợp pháp. Quốc gia Đông Nam Á này đang trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà xuất khẩu chất thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới.
Nguyên nhân của sự ngập chìm trong rác thải này là lệnh cấm nhập khẩu chất thải của Trung Quốc từ năm ngoái. Lệnh cấm này đã làm gián đoạn dòng chảy của hơn 7 triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm.
Malaysia nhanh chóng trở thành điểm đến thay thế. Theo số liệu thống kê từ tháng 1 - 7/2018, Malaysia đã nhập khẩu gần nửa triệu tấn chất thải nhựa từ 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu sang nước này.
Hàng chục nhà máy đã mở ra ở Malaysia để xử lý đống chất thải đó. Nhiều nhà máy không có giấy phép hoạt động, sử dụng công nghệ thấp và phương pháp xử lý có hại cho môi trường.
“Tình hình ngày càng tồi tệ hơn, đặc biệt là ngày càng có nhiều nhà máy tái chế nhựa bất hợp pháp,” bà Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia cho biết.
Nhựa đã qua sử dụng được tái chế thành dạng viên, sau đó được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác. Tuy nhiên, quá trình này đi kèm với các rủi ro ô nhiễm. Nhựa không phù hợp để tái chế sẽ bị đốt, quá trình này sẽ phát thải hóa chất độc hại vào bầu khí quyển hoặc chúng sẽ được chôn ở bãi rác, có khả năng gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước.
Bà Yeo cho biết, không muốn Malaysia trở thành “thùng rác” cho các quốc gia phát triển nhưng Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Zuraida Kamaruddin, người giám sát bộ phận quản lý chất thải nói với Reuters rằng Chính phủ cũng không muốn bỏ lỡ hoạt động kinh doanh trị giá hàng tỷ USD này.
Cả hai Bộ trưởng đều là thành viên của một ủy ban Chính phủ nghiên cứu về các giải pháp nhằm đối phó với rác thải nhựa.
Những nhà máy bất hợp pháp
Trong khu công nghiệp Pulau Indah, gần một chục nhà máy tái chế, nhiều nhà máy trong số đó không có biển hiệu hoặc tên công ty. Dữ liệu của Chính phủ thì cho thấy chỉ có hai nhà máy trong khu vực này có giấy phép nhập khẩu chất thải nhựa.
Theo Reuteurs, một trong những công ty lớn, Jingye Manufacturing Sdn Bhd, đã thông báo chính thức ngừng hoạt động vào tháng 8/2018 vì không có giấy phép.
Tuy nhiên, các công nhân trong nhà máy và những người sống gần đó nói rằng công ty này đã mở cửa trở lại sau vài tuần. Khi phóng viên của Reuters đến thăm vào đầu tháng này, nó vẫn đang hoạt động. Rác thải nhựa được chất đống trong khuôn viên của công ty và dọc đường đi.
Hồ sơ công ty cho thấy Jingye được thành lập tại Malaysia vào tháng 10/2017, ba tháng sau khi Trung Quốc cho biết họ sẽ cấm nhập khẩu chất thải từ nước ngoài từ đầu năm 2018.
Những nhà máy tái chế nhựa bất hợp pháp như thế này thường không có biển hiệu hoặc tên công ty. Ảnh: Reuters |
Một công nhân giấu tên trong khu công nghiệp cho biết có tới 8 nhà máy đang hoạt động bất hợp pháp trong khu công nghiệp. Rất nhiều nhựa không thể tái chế được đốt một cách công khai. Đêm nào họ cũng đốt.
Theo Bộ trưởng Bộ Nhà ở, tại quận Kuala Langat gần đó, chính quyền đã phát hiện 41 nhà máy hoạt động bất hợp pháp. Nhiều nhà máy trong số đó do các công ty Trung Quốc điều hành. Khoảng 30 công ty đã bị chính quyền đóng cửa trong vòng ba tháng qua sau khi người dân phàn nàn về việc công khai đốt nhựa và họ gặp các biến chứng về sức khỏe.
Ngăn chặn nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới
Không rõ các nhà máy bất hợp pháp được cung cấp chất thải nhựa bằng cách nào. Bà Zuraida cho biết, một số công ty có giấy phép nhập khẩu và tái chế chất thải nhựa còn ký hợp đồng thầu phụ với các nhà máy bất hợp pháp vì họ không có khả năng xử lý một khối lượng lớn như vậy.
Khối lượng nhập khẩu chất thải nhựa của Malaysia đã tăng vọt lên 456.000 tấn trong khoảng từ tháng 1 – 7/2018, so với 316.600 tấn được mua trong cả năm 2017 và 168.500 tấn trong năm 2016.
Theo cơ sở dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc và Viện Công nghiệp tái chế phế liệu, từ tháng 1 – 7/2018, Mỹ (nhà xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu thế giới) đã vận chuyển 178.238 tấn rác thải này đến Malaysia, gần gấp đôi so với nước xuất khẩu đứng thứ hai là Thái Lan.
Vương quốc Anh cũng là một nhà xuất khẩu chất thải nhựa lớn. Nước này đã gửi một phần tư lượng chất thải của mình sang Malaysia, nhiều hơn đến bất kỳ nước nào khác.
Những bãi rác thải như thế này sẽ gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Môi trường Yeo ước tính rằng ngành tái chế nhựa kiếm được 3,5 tỷ ringgit (khoảng 841,95 triệu USD) trong năm 2018.Sau lệnh cấm, hàng trăm nhà tái chế nhựa từ Trung Quốc đã chuyển hoạt động sang Malaysia, nơi có nguồn nhân công rẻ hơn và các quy định môi trường ít nghiêm ngặt hơn. Các nhà tái chế Trung Quốc đã thành lập các nhà máy, thường là bất hợp pháp trên khắp Malaysia và xử lý chất thải mà không có sự giám sát theo quy định.
Kể từ khi nhậm chức năm ngoái, Bộ trưởng Môi trường Malaysia đã chỉ đạo đóng cửa hơn 130 cơ sở tái chế nhựa bất hợp pháp. Một số đối tượng đã bị buộc tội tại tòa và bị phạt nặng. Chưa dừng lại ở đó, Malaysia đang soạn thảo các quy định mới liên quan đến tái chế để đảm bảo nước này không bao giờ trở thành bãi rác của thế giới nữa.
Các nhà máy hiện đang được đặt bừa bãi ở khắp nơi, có khi còn nằm gần hoặc ngay trong khu dân cư. Ở Kuala Langat, phía Tây Nam của Kuala Lumpur, một nhà máy tái chế đồ sộ nằm giữa các đồn điền trồng cọ đã phải đóng cửa ba tháng trước.
Tuy nhiên, các tòa tháp chất thải nhựa cao 10 feet (3m), chủ yếu là vật liệu đóng gói hàng tiêu dùng từ Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Đức và Australia, vẫn được chất đống ở sân trước. Một khu đất rộng bên cạnh nhà máy đã bị biến thành nơi đổ phế thải.